GÓC NHÌN

Dự kiến đề xuất 4 chính sách mới sửa đổi Luật Lưu trữ 
Ngày đăng 01/04/2022 | 14:37  | Lượt xem: 237

Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, hội nhập quốc tế, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; quy định quản lý tài liệu lưu trữ tư; quy định về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ

Tại cuộc họp báo quý 1 mới đây, báo cáo tình hình công tác của Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ đang phối với Bộ Tư pháp lập đề nghị xây dựng Dự án Luật trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022-2023.
Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011 (có hiệu lực từ 1/7/2012). Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, bên cạnh các kết quả đạt được đã phát sinh những bất cập, hạn chế, nhiều vấn đề của thực tiễn đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được quy định hoặc Luật quy định chưa rõ.

Ảnh minh họa (ảnh: VGP)
 

Cụ thể như các quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; quy định về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, hội nhập quốc tế, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; quy định quản lý tài liệu lưu trữ tư; quy định về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ...
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên thì việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) góp phần thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ là cần thiết.
Theo cơ quan soạn thảo, dự kiến có 4 chính sách mới trong Luật Lưu trữ sửa đổi.
 Chính sách 1 quy định thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, quy định rõ 4 vấn đề, gồm: thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; thẩm quyền quản lý tài liệu của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao; thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ cấp xã. 
Chính sách 2 về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử. Chính sách 2 sẽ quy định rõ 3 vấn đề, gồm: quy định các nguyên tắc, yêu cầu, chức năng của Hệ thống lưu trữ tài liệu điện tử để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu điện tử; việc quản lý tập trung, thống nhất cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử; điều kiện, trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia các dịch vụ lưu trữ tài liệu điện tử và quy định về chứng thực tài liệu lưu trữ điện tử. 
Chính sách 3 về quản lý tài liệu lưu trữ tư, chính sách 3 quy định rõ 2 vấn đề, gồm: quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với quản lý tài liệu lưu trữ tư; quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư.
Chính sách 4 về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ, chính sách 4 quy định rõ 4 vấn đề, gồm: quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; thu lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ và đăng ký cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; quy định thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; đối tượng cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ. 
Qua rà soát, để cụ thể hóa 4 chính sách nêu trên, cần quy định rõ trong Luật 13 vấn đề, theo đó dự kiến phải chỉnh sửa 17/42 điều (chiếm 40,5% số điều của Luật), ngoài ra cần phải chỉnh sửa quy định bất cập tại các điều về tài liệu giấy (dự kiến khoảng 20 điều). 

Mai Chi