GÓC NHÌN

Cần hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng về phòng chống tham nhũng với khu vực ngoài Nhà nước
Ngày đăng 28/07/2020 | 17:03  | Lượt xem: 839

Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư.

Ngày 28-7, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo tham vấn “Dự thảo báo cáo đánh giá và hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.

Trở ngại lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh trong khu vực

Tham nhũng luôn được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh trong khu vực vì nó làm tăng chi phí kinh doanh, làm biến dạng môi trường cạnh tranh, hạn chế cơ hội đầu tư và gia tăng bất bình đẳng xã hội. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam trong những năm gần đây, hơn một nửa số công ty được khảo sát đã báo cáo về việc chi trả các chi phí không chính thức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng như tại các diễn đàn quốc tế song phương và đa phương khác. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.

 Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư. Thực tiễn hiện nay, tham nhũng là một vấn nạn và thách thức đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

“Trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây ra hệ lụy đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, một yêu cầu tất yếu đặt ra đó là phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư”, ông Liêm nói.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Cần hỗ trợ về tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ pháp lý

Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Sitara Syed hoan nghênh Việt Nam mở rộng phạm vi của Luật phòng, chống tham nhũng sang khu vực ngoài Nhà nước. “Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam phòng, chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực nhằm thực hiện các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, mà Việt Nam phê chuẩn năm 2009” – bà Sitara Syed nói. “Song việc thực thi Luật đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ không chỉ của Chính phủ mà cả của các doanh nghiệp”.

Qua điều tra, khảo sát của UNDP cho thấy, 22% đối tượng được hỏi đã xây dựng, thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh và 48% đang xây dựng, 28% chưa tiến hành xây dựng. Trong đó số 22% đối tượng đã xây dựng chủ yếu là các công ty hợp danh và công ty cổ phần. 48% đang xây dựng chủ yếu là cơ quan nhà nước (72% đối tượng), các công ty hợp danh còn lại và một số công ty cổ phần quy mô lớn.

Qua kết quả khảo sát có thể thấy các tổ chức, doanh nghiệp nhận thức tương đối tốt việc xây dựng các quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát trong doanh nghiệp. Đã có 42% đã xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát; 26% đang xây dựng và có 32% không xây dựng.

Đáng quan tâm, các doanh nghiệp TNHH thì dường như chưa có ý thức cao về vấn đề này, vì đối tượng này thường chỉ tập trung vào mục đích kinh doanh, không được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, không có cán bộ pháp luật chuyên trách, và cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu tham nhũng lan tràn trong bộ máy công quyền.

Đây chính là nhóm đối tượng cần được lưu ý trong việc hỗ trợ về tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ pháp lý sau này. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 93% số lượng doanh nghiệp trong toàn quốc, có một vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế đất nước. Việc xây dựng những chính sách lớn để thúc đẩy văn hóa kinh doanh lành mạnh, nói không với tham nhũng, hối lộ trong khối doanh nghiệp này đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phòng, chống tham nhũng dài hạn của đất nước.

Cần hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, cụ thể đối với doanh nghiệp

Qua góc nhìn từ khu vực kinh tế tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, các "biểu hiện" của tình hình tham nhũng trong khu vực tư được thể hiện qua đánh giá của DN về chi phí không chính thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Điều tra PCI do VCCI tiến hành, năm 2018 vẫn có 7% DN tốn hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; 55% DN nhận định các DN cùng ngành có trả chi phí không chính thức. Điều đáng nói là năm 2019 có đến 83,13% DN "chấp nhận" với các "khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được". Bởi có đến 62% DN cho biết công việc được giải quyết sau khi đã trả chi phí không chính thức.

Trong giai đoạn 2013-2019, có sự giảm đáng kể tỷ lệ DN đồng ý với nhận định "hợp đồng mua sắm công, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh". Tuy nhiên, năm 2019, vẫn còn đến 63,44% DN đồng ý với nhận định này (so với 96,59% của năm 2013).

Năm 2019, có gần 20% DN được khảo sát đồng ý với nhận định "chi trả hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu. Nhiều DN vẫn lo ngại tình trạng "chạy án" nên không đưa tranh chấp ra Tòa. Và theo đánh giá của DN, "mối quan hệ với cơ quan nhà nước" là yếu tố cần thiết để tiếp cận thông tin.

Qua quá trình khảo sát, phỏng vấn, nhóm nghiên cứu thấy rằng, để thống nhất trong thực hiện và áp dụng Luật PCTN năm 2018 trong thời gian tới, cần phải có hướng dẫn một cách đầy đủ, rõ ràng, cụ thể đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong việc quy định cũng như thực hiện quy định về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước được quy định trong Luật PCTN./.

Bảo Khánh