GÓC NHÌN

Đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định về công tác xã hội
Ngày đăng 22/05/2022 | 19:01  | Lượt xem: 166

Đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của công tác xã hội ngày càng tăng, có thể là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo,

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định về Công tác xã hội, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, khả thi cho công tác này.

Công tác xã hội quy định tại Nghị định này được hiểu là các hoạt động hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc người dân giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ và nhằm thúc đẩy phúc lợi xã hội.

Các ngành, lĩnh vực đặc thù cần thực hiện công tác xã hội bao gồm lĩnh vực bảo trợ xã hội, y tế và sức khỏe tâm thần, giáo dục, tư pháp, trại giam, trường giáo dưỡng.

Ảnh minh họa. (ảnh: VGP)

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội đã được hình thành nhiều nhất ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội. Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.

Hiện nay, đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của công tác xã hội ngày càng tăng, có thể là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, người nghiện ma tuý, phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố...

Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội hiện có khoảng 235 nghìn người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng.

Dự thảo Nghị định quy định mở rộng phạm vi đối tượng và người dân cần sự trợ giúp và quyền của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Đồng thời, chuẩn hóa đội ngũ những người làm công tác xã hội, quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình hoạt động, chế độ, chính sách đối với người hành nghề công tác xã hội.

Dự thảo cũng mở rộng phạm vi tổ chức, cơ quan có thể tham gia cung ứng dịch vụ công tác xã hội. Ngoài tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập do Nhà nước quản lý, cấp kinh phí và thực hiện, còn có các tổ chức ngoài Nhà nước có đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan quản lý nhà nước về công tác xã hội ở địa phương để cung cấp dịch vụ này. 

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có liên quan quy định cụ thể về điều kiện, quy trình, hình thức thực hiện công tác xã hội trong một số lĩnh vực đặc thù và các nhóm đối tượng đặc biệt cần sự giúp đỡ (công tác xã hội đối với người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, người nhiễm HIV/AIDS; người nghiện ma túy, mại dâm; học sinh, sinh viên; người mới ra tù, cán bộ làm trong các trại giam,...).

Đáng quan tâm, Dự thảo quy định không hạn chế đối tượng tham gia công tác xã hội; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công tác xã hội; quy định về huy động sự tham gia của người dân và thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân vào quy định vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội những người làm công tác xã hội; quy định thúc đẩy các hoạt động từ thiện, thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.

Từ đó, giảm thiểu chi phí từ ngân sách nhà nước cho các dịch vụ công tác xã hội, cho công tác đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác xã hội với xu hướng khu vực tư nhân dần dần sẽ thay thế khu vực công trong việc thực hiện các dịch vụ công về công tác xã hội.

Mai Chi