GÓC NHÌN
Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ IX thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012 đã đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ bất cập, một số quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, Luật chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, một số quy định chưa thống nhất giữa các văn bản....
Việc xác định nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành để họ hưởng các chế độ chưa phù hợp với thực tiễn, vì nhiều người bị hại không thể nhớ chính xác được đối tượng thực hiện hành vi mua bán, cơ quan có thẩm quyền không thể chứng minh được nạn nhân trong các vụ mua bán. Trong khi đó, các đối tượng trong thời gian chờ xác định là nạn nhân cũng cần được hưởng đầy đủ chế độ như nạn nhân và thực tế các cơ quan chức năng phải tổ chức hỗ trợ như nạn nhân...
Chế độ hỗ trợ nạn nhân cũng chưa phù hợp, Luật hiện hành cũng chưa có quy định về chi phí phiên dịch khi nạn nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc hỗ trợ nạn nhân lưu trú...
Theo cơ quan soạn thảo, dự báo thời gian tới, tình hình mua bán người diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh như: Mua bán người để lấy bộ phận cơ thể người, tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông và mất cân bằng giới tính của một số quốc gia có chung đường biên giới; tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo, nhẹ dạ mất cảnh giác của người dân...
Vì vậy, cần xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để khắc phục những bất cập trên, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh với nạn mua bán người cũng như công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.
Trong Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh 5 nội dung: Phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Tại phiên họp, một số ý kiến nhất trí cần quy định cụ thể tiêu chí xác định nạn nhân, tuy nhiên cần rà soát kỹ các tiêu chí xác định nạn nhân dựa trên các hành vi, phương thức, mục đích mua bán người đã được quy định tại Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, lồng ghép các chính sách theo hướng “nâng cao chế độ hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”; giao nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân cho các cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm công tác xã hội tiếp nhận, hỗ trợ...
Mai Chi
thông báo
- Kế hoạch Tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến" trên địa bàn Thành phố
- Kế hoạch tổ chức cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" trên địa bàn thành phố Hà Nội