GÓC NHÌN
Có người sử dụng xăng, dầu, có người không sử dụng xăng, dầu, điện thì 100% sử dụng mà tại sao không đưa vào diện bình ổn mà là đưa Nhà nước định giá.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về Luật Giá (sửa đổi). Tân Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư; các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo Luật giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Mạnh cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình Dự thảo Luật trong đó giao Chính phủ quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Tuy nhiên, qua ý kiến đại biểu thấy rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, ổn định thị trường, do đó các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, hạn chế tối đa sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến quy luật cung cầu. Vì vậy, để đúng với chức năng nhiệm vụ của cơ quan dân cử, nhưng vẫn đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu.
Cụ thể: Thứ nhất, giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Thứ 2, bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch; Thứ 3, chỉnh lý các quy định có liên quan tại các điều, khoản khác để đảm bảo tính tương thích.
Đến nay, Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng, bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; Sữa dành cho người cao tuổi; Thóc tẻ, gạo tẻ; Thịt lợn (thịt heo); Thức ăn chăn nuôi; Thức ăn thủy sản; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;…
Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ này, nhưng một số ý kiến không đồng tình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu vì đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Nên trong bối cảnh hiện nay việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp. Thực tế cho thấy, khi giá xăng, dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.
Bổ sung giá điện vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH Yên Bái) cho rằng, nên bổ sung giá điện vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Theo đại biểu Luân, thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị, loại hàng hóa này cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá và đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì hợp lý hơn.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cũng cho rằng, nên đưa điện vào mặt hàng bình ổn giá, vì thực tế thời gian qua, điện cũng là mặt hàng có lượng tiêu thụ nhiều, có khi còn nhiều hơn cả xăng dầu.
“Nhà nước định giá điện mà Nhà nước vẫn còn bao cấp, như vậy thì bản chất của ngành điện mà Nhà nước còn bao cấp như vậy thì tại sao chúng ta không đưa vô Quỹ bình ổn giá như bình ổn giá xăng, dầu đối với điện mà chúng ta loại ra mà chỉ để nhà nước định giá. Cho nên, tôi nghĩ rằng đấu giá điện thì phải đưa vô Quỹ bình ổn giá thì nó phù hợp hơn tại vì hiện nay tất cả chúng ta 100% người dân đều tiêu thụ điện, đều phải trả tiền điện nhiều hơn xăng, dầu nữa.
Có người sử dụng xăng, dầu, có người không sử dụng xăng, dầu, điện thì 100% sử dụng mà tại sao không đưa vào diện bình ổn mà là đưa Nhà nước định giá. Định giá này còn bao cấp nữa, định giá bao cấp như vậy không đúng bản chất của ngành điện, cho nên tôi đề nghị Quốc hội xem xét đưa ngành điện trở lại Quỹ bình ổn giá cho người dân”, đại biểu nhấn mạnh.
Mai Chi
thông báo
- Tài liệu Hội nghị phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Tiếp cận thông tin (8h00 ngày 30/5/2023)
- Cuộc thi hoà giải viên giỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- Quyết định về việc thành lập Ban Tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và Dịch vụ công trực tuyến" trên địa bàn thành phố Hà Nội
trao đổi kinh nghiệm
- Hướng dẫn xác nhận trực tuyến giãn chu kỳ kiểm định trực tuyến xe ô tô đến 9 chỗ
- Cảnh giác đối tượng mạo danh công an mời mua vật phẩm phòng cháy
- Bộ Công an khuyến cáo người dân các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em và cứu người bị đuối nước
- Bộ Công an khuyến cáo người dân các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi xảy ra cháy xe ô tô, xe máy