Giải đáp pháp luật

Mức xử phạt đối với vi phạm về tiếp nhận bảo hành
Ngày đăng 06/11/2024 | 07:05

Vừa qua, bà Lưu mua nồi cơm điện trị giá 2.000.000 đồng tại một cửa hàng điện máy trên phố. Nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm được bảo hành 01 năm, tuy nhiên họ chỉ đưa cho bà hóa đơn bán hàng trên đó có ghi số tiền đã thanh toán.

Khi bà Lưu đề nghị cung cấp giấy bảo hành thì nhân viên cho biết cửa hàng không có giấy tờ gì thêm và thuyết phục bà yên tâm vì nếu sản phẩm có vấn đề gì thì đưa hóa đơn theo là cửa hàng sẽ giải quyết. Bà Lưu muốn biết hành vi trên của cửa hàng có vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không và nếu  có  thì bị xử phạt như thế nào? 

Trả lời:

- Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định:

1. Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm:

a) Thương nhân theo quy định của Luật Thương mại;

b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh”.

- Điều 6 Luật Thương Mại 2005 quy định “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.

- Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện:

“1. Sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành theo thỏa thuận của các bên hoặc bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm sau đây:

a) Công bố công khai chính sách bảo hành. Chính sách bảo hành bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: thời điểm, thời hạn áp dụng, nội dung, phạm vi, phương thức thực hiện bảo hành và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

b) Thực hiện chính xác, đầy đủ trách nhiệm bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp;

c) Cung cấp cho người tiêu dùng văn bản tiếp nhận bảo hành hoặc hình thức tiếp nhận bảo hành tương đương khác, trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành. Thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện.

Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh thay thế linh kiện, phụ kiện thì thời hạn bảo hành linh kiện, phụ kiện đó được tính lại từ thời điểm thay thế linh kiện, phụ kiện.

Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh đổi sản phẩm, hàng hóa mới thì thời hạn bảo hành sản phẩm, hàng hóa đó được tính lại từ thời điểm đổi mới sản phẩm, hàng hóa;

d) Cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết phù hợp theo thỏa thuận giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thời gian thực hiện bảo hành;

đ) Đổi sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi hoặc trong trường hợp đã thực hiện bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ 03 lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi;

e) Chịu chi phí sửa chữa, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ nơi ở của người tiêu dùng hoặc nơi sử dụng sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi ở của người tiêu dùng hoặc nơi sử dụng sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện;

g) Chịu trách nhiệm về việc bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng cả trong trường hợp ủy quyền hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành”.

- Điểm a Khoản 1 Điều 56 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh hàng hóa có một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa bảo hành có giá trị dưới 20.000.000 đồng:

a) Không cung cấp cho người tiêu dùng Giấy tiếp nhận bảo hành trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành.

- Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (có hiệu lực kể từ ngày 31/01/2022), quy định: Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.”

Như vậy, hành vi không cung cấp cho người tiêu dùng Giấy tiếp nhận bảo hành trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành là hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi vi phạm này bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa bảo hành có giá trị dưới 20.000.000 đồng. Mức phạt này là mức phạt đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm mức phạt tiền gấp đôi mức phạt quy định nêu trên. Như vậy, cửa hàng điện máy nêu trên có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 20.000.000 đồng.

Như Quỳnh