Giải đáp pháp luật
Tuần trước, bác Lê vào xem giày tại cửa hàng giày da tại Trung tâm Thương mại. Bác Lê được nhân viên bán hàng tư vấn và cam kết là giày chính hãng, hàng nhập khẩu 100%. Bác lê rất thích và muốn mua. Tuy nhiên, khi bác yêu cầu cửa hàng
cung cấp giấy tờ chứng minh đây là hàng nhập khẩu thì cửa hàng từ chối và giải thích rằng do giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa còn ghi nhiều loại hàng hóa khác nên không thể cho bác Lê xem được. Vậy, đề nghị cho biết hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng có phải là hành vi vi phạm pháp luật không. Nếu có thì bị xử phạt (nếu có) như thế nào?
Trả lời:
- Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định:
1. Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm:
a) Thương nhân theo quy định của Luật Thương mại;
b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh”.
- Điều 6 Luật Thương Mại 2005 quy định “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.
- Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:
a) Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; hình ảnh, giấy tờ, tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh”.
- Điểm đ khoản 1, khoản 5 Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng như sau:
"1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân có một trong các hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng sau đây:
đ) Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này”;
- Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (có hiệu lực kể từ ngày 31/01/2022), quy định: Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.”
Như vậy, hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định là một trong những hành vi vi phạm pháp luật về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp này là người bán cố tình che giấu thông tin về xuất xứ của hàng hóa thông qua việc từ chối cho người tiêu dùng xem giấy chứng nhận xuất hàng hóa. Theo đó, người bán sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định. Ngoài ra, người bán có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm nói trên. Mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm bị phạt tiền gấp đôi mức phạt cá nhân.
Như Quỳnh
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh giác ứng dụng AI kết hợp sử dụng DeepFake, DeepVoice... làm giả thông tin để lừa đảo
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình
- Cảnh giác với thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
- Khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC trong thời điểm mùa hanh khô