Giải đáp pháp luật
Bố mẹ tôi sinh được 2 người con là tôi và cô em gái. Tôi có gia đình và ở xa nên khi em gái tôi lập gia đình, thấy nhà em rể ở dưới quê không có điều kiện làm ăn, tôi bàn với ba, mẹ tôi kêu vợ chồng em về cùng sống với ba, mẹ.
Nhà tôi ở mặt tiền, ba, mẹ cho vợ chồng em mở điểm kinh doanh, nhờ vậy làm ăn thuận lợi, không bao lâu hai em mua được đất và xe hơi, tài sản tăng dần. Mới đây, em rể tôi vì bệnh hiểm nghèo đã qua đời. Sợ em tôi lấy chồng khác, bên nhà chồng yêu cầu chia thừa kế những gì của em rể để lại cho ba, mẹ của em ấy. Thực tế, nếu không có sự cưu mang, giúp đỡ của ba, mẹ tôi thì em rể không có nhiều tài sản như hiện nay. Vậy nếu chia thừa kế tài sản của em rể cho cha, mẹ ruột thì cha, mẹ vợ có được chia thừa kế không?
Trả lời:
- Điều 649 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định thừa kế theo pháp luật như sau: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.
- Khoản 1 Điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật
“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
- Khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Khoản 1, khỏan 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau:
1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Đối chiếu với quy định của pháp luật khi người chết nhưng không để lại di chúc thì phần di sản của người đó được chia theo quy định của pháp luật. Theo đó, khi một bên vợ hoặc chồng chết nếu có yêu cầu về chia di sản thì phần tài sản chung của vợ chồng em rể bạn được chia đôi, phần tài sản của người chồng đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế (Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015). Trường hợp em rể bạn mất không để lại di chúc nên những người được thừa kế theo pháp luật ở hàng thứ nhất bao gồm: em gái bạn, cha đẻ em rể, mẹ đẻ em rể, con đẻ của người em rể đã chết. Tuy cha, mẹ ruột và cha, mẹ vợ (hoặc chồng) đều phải được tôn kính, chăm sóc, phụng dưỡng như nhau. Nhưng ba, mẹ vợ sẽ không được chia thừa kế di sản của con rể để lại, bởi vì điều này pháp luật không có quy định.
Như Quỳnh
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh giác ứng dụng AI kết hợp sử dụng DeepFake, DeepVoice... làm giả thông tin để lừa đảo
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình
- Cảnh giác với thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
- Khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC trong thời điểm mùa hanh khô