ĐÔ THỊ

Sẽ hoàn thành sửa chữa mặt cầu Thăng Long vào cuối năm 2020
Ngày đăng 04/11/2020 | 08:14  | Lượt xem: 823

Ngày 3-11, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ hoàn thành sửa chữa và thông xe trước 31-12-2020 đúng theo kế hoạch.

 

se hoan thanh sua chua mat cau thang long vao cuoi nam 2020

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, được chính thức khởi công và bắt đầu thi công từ ngày 16-8. Ảnh: Khánh Huy

 

Theo báo cáo về tiến độ sửa chữa mặt cầu Thăng Long của Tổng cục Đường bộ, hiện hạng mục đinh neo đã hàn được gần 850.000 trong tổng số hơn 1,4 triệu đinh neo phải hàn, đạt 60% tiến độ.

Đối với hạng mục cốt thép đã thi công 445/775 tấn đạt gần 60% kế hoạch; diện tích bê tông UHPC đã đổ là hơn 13.800m2 trong tổng số hơn 27.700m2; hạng mục đổ bê tông siêu tính năng UHPC đã đổ 1.860/3.200m. Hệ thống lan can cầu sau nhiều năm đã gỉ sét cũng được làm sạch sau đó gia cố thêm chân đỡ

Đến thời điểm này, tổng giá trị thực hiện là hơn 116 tỷ đồng, đạt hơn 50% giá trị hợp đồng. Tổng giá trị giải ngân hơn 124/244 tỷ đồng, đạt 51% giá trị hợp đồng và trên 70% kế hoạch năm.

Theo kế hoạch, từ ngày 20/11-25/12, các đơn vị thi công sẽ hoàn thành lớp dính bám và thảm bê tông nhựa với khối lượng hơn 27.000m2; đến ngày 14/12 sẽ hoàn thành đổ hơn 2.000m3 bê tông siêu tính năng toàn bộ mặt cầu.Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ hoàn thành thông xe trước 31-12 đúng theo kế hoạch. Khi hoàn thành, cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vừa được Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng, khơi thông tuyến đường huyết mạch kết nối trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài và các tỉnh lân cận, góp phần giảm ùn tắc cho các khu vực nội đô.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11/1974 và hoàn thành tháng 5/1985. Sau một thời gian khai thác phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng với đặc điểm kết cầu phức tạp (cầu dàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt, chiều dài nhịp lớn, dàn thép liên tục trên nhiều nhịp) mặt cầu đồng thời phải chịu các xe tải trọng lớn trên cầu, tải trọng tàu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ… tạo ra các dao động chuyển vị biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau.

Mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn năm 2009; giai đoạn 2012-2013 cũng được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bêtông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ cũng thực hiện sửa chữa cục bộ.

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam-Bộ Giao thông Vận tải) cho biết lần sữa chữa này của Tổng cục chắc chắn công trình tồn tại ít nhất trên 10 năm bởi kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất.

 

Bảo Bình