ĐÔ THỊ

Ngày 7-1, cầu Thăng Long sẽ chính thức thông xe
Ngày đăng 04/01/2021 | 07:59  | Lượt xem: 795

Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau hơn 5 tháng triển khai thi công, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ chính thức được thông xe vào 7h ngày 7-1-2021.

 

ngay 7 1 cau thang long se chinh thuc thong xe
Ngày 29-12-2020, hạng mục cuối trong sửa chữa mặt cầu là thảm bê tông nhựa mặt cầu đã hoàn thành. Công nhân đang quét dọn sạch sẽ mặt cầu chuẩn bị cho thông xe. Ảnh: Báo Giao thông

 

Việc hoàn thành sửa chữa cầu Thăng Long sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm thành phố Hà Nội đến sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận. Trong thời gian tới, cầu Thăng Long sẽ được lắp đặt hệ thống cân tự động, phát hiện các phương tiện quá tải, sử dụng hình thức phạt “nguội” đối với các phương tiện vi phạm.

Cầu Thăng Long được xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5-1985. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.

Do đó, Tổng cục Đường bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng để nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân hư hỏng và đưa ra giải pháp sửa chữa, trong đó có công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng UHPC. Mặc dù đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam, đây vẫn là công nghệ mới.

Ngày 16-8, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã chính thức được khởi công, đồng thời cơ quan chức năng cũng tiến hành “phong tỏa” toàn bộ cầu và có hướng dẫn phân luồng phương tiện lưu thông qua các tuyến đường khác. Theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, thời gian thi công dự án là 150 ngày, tính từ ngày 16-8-2020 đến ngày 12-1-2021. Như vậy, dự án đã vượt tiến độ đề ra.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, đến thời điểm này, có thể khẳng định các chuyên gia, cán bộ, kỹ sư đã làm chủ được công nghệ mới bê tông siêu tính năng UHPC trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Bê tông siêu tính năng UHPC có cường độ gấp 3 lần bê tông thông thường và độ bền trên 30 năm. Tổng cục Đường bộ sẽ áp dụng công nghệ này trong sửa chữa các công trình khác.

Cầu Thăng Long gồm cầu chính vượt sông dài 1.680m gồm 1 nhịp dàn thép, tạo thành  liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112m/nhịp x 3 nhịp. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới, cách tầng trên 14,1m, rộng 17m. Cầu ôtô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5m phần đường ô tô rộng 16,5m gồm 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành 2 bên 2m.

Các nhịp cầu dẫn của đường sắt có kết cầu bằng các nhịp dầm bên tông cốt thép dự ứng lực chiều dài 3m/nhịp, có tổng cộng 116 nhịp cầu dẫn đường sắt (5 nhịp phía Bắc và 6 nhịp phía Nam), tổng chiều dài 3.23m.

 

Hà Nguyên