ĐẤT ĐAI

Kinh phí bảo trì định kỳ hàng năm của công trình xây dựng dân dụng
Ngày đăng 26/09/2022 | 13:24  | Lượt xem: 810

Đối với công trình xây dựng dân dụng như nhà trẻ, trường học tư thục, trung tâm dưỡng lão, trung tâm tập luyện thể thao… ngoài việc bảo hành từ nhà thầu còn có việc bảo trì định kỳ hoặc đột xuất.

Xin hỏi các anh chị, kinh phí bảo trì công trình định kỳ hàng năm do ai chi trả và dựa trên cơ sở nào?

Trả lời

Bảo trì công trình xây dựng được quy định tại Điều 126 Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020. Đó là:

1. Yêu cầu về bảo trì công trình xây dựng được quy định như sau:

a) Công trình, hạng mục công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng phải được bảo trì;

b) Quy trình bảo trì phải được chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt trước khi đưa công trình, hạng mục công trình xây dựng vào sử dụng; phù hợp với mục đích sử dụng, loại và cấp công trình xây dựng, hạng mục công trình, thiết bị được xây dựng và lắp đặt vào công trình;

c) Việc bảo trì phải bảo đảm an toàn đối với con người, tài sản và công trình.

2. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng, máy, thiết bị công trình.

3. Việc bảo trì công trình xây dựng, thiết bị công trình phải được thực hiện theo kế hoạch bảo trì và quy trình bảo trì được phê duyệt.

4. Công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng phải được tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn của công trình xây dựng trong quá trình vận hành và sử dụng.

5. Chính phủ quy định chi tiết về bảo trì, đánh giá định kỳ về an toàn của công trình xây dựng trong quá trình sử dụng và trách nhiệm công bố công trình xây dựng hết thời hạn sử dụng”.

Như vậy, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng.

Bảo trì công trình xây dựng, theo khoản 13 Điều 2 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ, “là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác sử dụng. Nội dung bảo trì công trình xây dựng có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình; bổ sung, thay thế hạng mục, thiết bị công trình để việc khai thác sử dụng công trình đảm bảo an toàn nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình”.

Chi phí bảo trì công trình xây dựng là toàn bộ chi phí cần thiết được xác định theo yêu cầu các công việc cần phải thực hiện phù hợp với quy trình bảo trì và kế hoạch bảo trì công trình xây dựng được phê duyệt. Chi phí bảo trì có thể gồm một, một số hoặc toàn bộ các nội dung chi phí trong thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo yêu cầu của quy trình bảo trì công trình xây dựng được phê duyệt.

Theo khoản 2 Điều 35 của Nghị định này, “Căn cứ hình thức sở hữu và quản lý sử dụng công trình thì chi phí cho công tác bảo trì được hình thành từ một nguồn vốn hoặc kết hợp một số các nguồn vốn sau: vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên, nguồn thu từ việc khai thác, sử dụng công trình xây dựng; nguồn đóng góp và huy động của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác”.

Các chi phí bảo trì công trình xây dựng bao gồm chi phí thực hiện các công việc bảo trì, bảo dưỡng định kỳ hàng năm; chi phí sửa chữa công trình (định kỳ và đột xuất); chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình; chi phí quản lý; chi phí cần thiết khác để thực hiện quá trình bảo trì công trình như kiểm toán, thẩm tra phê duyệt quyết toán; bảo hiểm công trình; phí thẩm định…

Chi phí thực hiện các công việc bảo trì công trình xây dựng định kỳ hàng năm, theo khoản 1 Điều 3 Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 08/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, được xác định bằng định mức tỷ lệ phần tram nhân với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị công trình. Trong đó:

“a) Chi phí xây dựng và chi phí thiết bị công trình xác định căn cứ giá trị quyết toán của công trình và điều chỉnh về mặt bằng giá tại thời điểm lập kế hoạch bảo trì. Trường hợp chưa có giá trị quyết toán của công trình thì chi phí xây dựng và chi phí thiết bị xác định theo suất vốn đầu tư của công trình tương ứng do cơ quan có thẩm quyền công bố.

b) Định mức tỷ lệ phần trăm (%) chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm xác định theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Căn cứ loại, cấp công trình, quy trình bảo trì công trình, điều kiện quản lý khai thác cụ thể của công trình, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình lập kế hoạch bảo trì công trình và chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm của công trình. Chi phí này không được vượt quá chi phí xác định theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này”.

Chủ sở hữu, người sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng, căn cứ hình thức sở hữu và quản lý sử dụng công trình, nguồn kinh phí được hình thành từ vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên, nguồn thu từ việc khai thác, sử dụng công trình xây dựng, nguồn đóng góp và huy động của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chi phí bảo trì định kỳ hàng năm của công trình dân dụng được xác định theo tỷ lệ 0,08 đến 0,1% của chi phí xây dựng.

Hùng Phi