DÂN SỰ

Quyền đòi lại tài sản không phải đăng ký từ người chiếm hữu ngay tình
Ngày đăng 23/06/2021 | 22:43  | Lượt xem: 3075

Xin hỏi các anh chị, trường hợp tôi chứng minh được người khác đang sử dụng chiếc máy tính bảng của mình (dù người này đã sơn lại vỏ, cài đặt lại…), thì tôi có quyền đòi lại hay không?

Trả lời

Theo Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.

Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường pháp luật có liên quan quy định. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Quyền sở hữu là quyền cơ bản của công dân. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Chính vì vậy, không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Điều 164 của Bộ luật này quy định biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau:

“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản, thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền của mình.

Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu tài sản. Các trường hợp được xác định chiếm hữu có căn cứ pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 165 của Bộ luật này, bao gồm:

“a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Trường hợp khác do pháp luật quy định”.

Có nghĩa là, việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định nêu trên là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Khi đó, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

Tuy nhiên, theo Điều 167 của Bộ luật này, “chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.

Vì chiếc máy tính bảng là động sản, không phải đăng ký quyền sở hữu. Cho nên, cần làm rõ thông tin để xác định bạn có quyền đòi lại trực tiếp từ người đang chiếm hữu hay không.

Trường hợp người đang chiếm hữu chiếc máy tính bảng của bạn dựa trên một giao dịch không có đền bù (ví dụ: được cho, tặng…), bạn có quyền đòi lại trực tiếp từ người này.

Trường hợp người chiếm hữu dựa trên một giao dịch có đền bù (mua bán, trao đổi…), bạn chỉ có thể đòi lại trực tiếp từ người này nếu chiếc máy tính bảng của bạn bị trộm cắp, bị mất… Tất nhiên, nếu bạn chứng minh được đó là tài sản của mình, người đang chiếm hữu ngay tình có trách nhiệm chứng minh căn cứ họ chiếm hữu. Thêm nữa, nếu không có quyền đòi lại trực tiếp, bạn vẫn có quyền của chủ sở hữu, yêu cầu người đã giao dịch với người chiếm hữu ngay tình hoàn trả giá trị tương ứng.

Hùng Phi