TÌM KIẾM BÀI VIẾT

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón 65.000 lượt khách tham quan, xin chữ đầu năm
Ngày đăng 01/02/2025 | 10:45  | Lượt xem: 78

Thông tin từ Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tính đến mùng 3 Tết, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón trên 65.000 lượt du khách. Dự kiến, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng người dân và du khách tham quan, trải nghiệm tại di tích sẽ còn tăng cao.

Năm nay, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn dịp Tết Ất Tỵ. Điểm nhấn là Hội chữ Xuân 2025 diễn ra từ ngày 23.1 - 9.2 (24 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 12 tháng Giêng) tại khu vực Hồ Văn.

65.000 lượt du khách tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong những ngày đầu Xuân 65.000 lượt du khách tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong những ngày đầu Xuân

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, dịp này tại khu vực Hồ Văn cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa phục vụ khách tham quan, trong đó có 3 triển lãm gồm: Triển lãm thư pháp "Thực học" trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ; triển lãm ảnh "Việt Nam quê hương tôi" giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản chọn lọc từ "Giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam - Vietnam Heritage Photo Awards 2012 - 1018"; triển lãm "Vẽ con rắn" mang đến góc nhìn đa dạng truyền thống và đa dạng về rắn - linh vật của năm Ất tỵ.

Đặc biệt, vào những ngày đầu xuân, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng của trí tuệ và học vấn, trở thành điểm đến linh thiêng thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về để xin chữ, cầu mong sự thành công, học hành tiến bộ và cuộc sống an lành. Xin chữ đầu năm không chỉ là một hành động mang tính tâm linh mà còn là sự giao thoa giữa văn hóa và nghệ thuật thư pháp. Những ông đồ già với nét bút tài hoa, uyển chuyển viết nên những con chữ Hán, Nôm hay Quốc ngữ mang ý nghĩa sâu sắc như "Tâm", "Đức", "Trí", "Phúc", "Lộc", "Thọ"…

Tục xin chữ đầu năm không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Nó góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, đồng thời lan tỏa tinh thần hiếu học, trọng đạo lý trong cộng đồng. Những con chữ được xin về không chỉ là vật phẩm trang trí mà còn là nguồn động viên tinh thần, giúp mỗi người tự tin bước vào năm mới với nhiều hy vọng và quyết tâm. Tại sân lớn khu Đại Thành, một điểm bán chữ viết sẵn, có đóng khung, được bố trí để phục vụ nhu cầu của người dân.

 

Thư pháp gia Trần Võ Hiệp, thành viên Câu lạc bộ Thư họa Việt Tâm Bút, chia sẻ: “Việc cho chữ và xin chữ tuy không còn theo lệ xưa, nhưng ngày nay vẫn được xem là một thú chơi tao nhã trong những ngày tết. Người xin chữ với ước vọng đầu xuân mong muốn gửi gắm những câu đối, câu chúc, lời hay ý đẹp được viết bằng chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ trên nền mực tàu, giấy đỏ...".

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa diễn ra tại không gian Hồ Văn phục vụ du khách tham quan, trong đó có 3 triển lãm gồm: Triển lãm thư pháp "Thực học" trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ; triển lãm ảnh "Việt Nam quê hương tôi" giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản chọn lọc từ "Giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam - Vietnam Heritage Photo Awards 2012-1018"; triển lãm "Vẽ con rắn" mang đến góc nhìn đa dạng truyền thống và đa dạng về rắn - linh vật của năm mới Ất tỵ.

Ngoài ra, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có nhiều chương trình văn hóa đặc sắc như: Giáo dục di sản, không gian văn hóa đọc, trưng bày sản phẩm làng nghề, các trò chơi dân gian, chơi cờ, múa lân; biểu diễn nghệ thuật truyền thống (quan họ, ca trù, chèo...) tại khu Nội tự, vườn Giám và Hồ Văn.

Trong khu nội tự, bên cạnh hai khu trưng bày Trường Quốc học đầu tiên và Khơi nguồn đạo học, khách tham quan được thưởng thức triển lãm "Dấu xưa văn hiến 3: Thiên Quang" tại Tiền Đường nhà Thái học.

D.Hà